HỘI THẢOTRANG TRÍ MÔI TRƯỜNG LỚP HỌC
CHO TRẺ HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM
Năm học 2023 - 2024
I. Lý do hội thảo
Mục tiêu của giáo dục mầm non là giúp trẻ phát triển toàn diện về các lĩnh vực: Thể chất, tình cảm xã hội, thẩm mỹ, ngôn ngữ, nhận thức. Hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, khơi dậy ở trẻ những chức năng tâm sinh lý, năng lực và phẩm chất, những kỹ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi, phát triển tối đa những khả năng tiềm ẩn, đặt nền tảng cho việc học ở các cấp tiếp theo cũng như việc học tập suốt đời.
Tạo môi trường cho trẻ mầm non hoạt động trải nghiệm là một việc làm rất quan trọng đối với trẻ, đặc biệt môi trường trong lớp học gắn liền với trẻ hầu hết thời gian khi trẻ tới trường. Môi trường trong lớp học tạo cơ hội cho trẻ có thể tự tham gia và thỏa mãn các nhu cầu chơi, giao lưu nhiều hơn với các bạn trong lớp qua đó nhân cách của trẻ được hình thành và phát triển tốt hơn.
Căn cứ kế hoạch số 16/ KH-MNHH ngày 15 tháng 9 năm 2023 về việc thực hiện nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 của nhà trường.
Thực hiện Chuyên đề xây dựng trường MN lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021- 2025 nhằm nâng cao chất lượng tiêu chí xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục trên cơ sở khai thác hiệu quả môi trường giáo dục; Đáp ứng nhu cầu vui chơi và học tập của trẻ mầm non theo phương châm “Học bằng chơi, chơi mà học”.
Việc tạo môi trường ở lớp học cho trẻ chơi một cách đầy đủ, khoa học sẽ giúp trẻ phát triển tư duy, sáng tạo, nhanh nhẹn và sự khéo léo. Tạo cơ hội cho mọi trẻ được hoạt động theo hình thức cá nhân, theo nhóm và nhiều hình thức khác nhau. Thể hiện được sự tự tin, mạnh dạn trong mọi hoạt động cũng như trong giao tiếp hằng ngày. Hình thành được các kỹ năng sống như: Kỹ năng ứng xử, học hỏi, sắp xếp ngăn nắp, giúp đỡ chia sẻ,….
Tuy nhiên việc trang trí tạo môi trường lớp học cho trẻ hoạt động trải nghiệm ở một số nhóm lớp còn hạn chế, chính vì vậy nhà trường đã xây dựng kế hoạch Hội thảo “Trang trí môi trường lớp học cho trẻ hoạt động trải nghiệm” tại lớp 5 tuổi A.
II. Thực trạng
Trong qua trình triển khai thực hiện hội thảo, cán bộ quản lý và giáo viên đã xác định được 1 số thuận lợi và hạn chế sau:
2.1. Thuận lợi:
Phòng học đảm bảo đủ 1lớp/phòng. Các lớp trang trí tạo môi trường trong, ngoài lớp đảm bảo đủ các góc cho trẻ chơi, bố trí, sắp xếp các góc chơi tương đối hợp lý, các góc chơi có đồ dùng đồ chơi cho trẻ hoạt động
- Cơ sở vật chất nhà trường trang bị cho các lớp như: Ti vi, mạng Internets, sách hướng dẫn…
- Giáo viên đều có trình độ chuẩn, trên chuẩn về chuyên môn, có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy trẻ, nắm rõ tâm sinh lý của trẻ, nhiệt tình, tâm huyết trách nhiệm cao với công việc, thường xuyên nghiên cứu tài liệu liên quan đến việc chăm sóc giáo dục trẻ.
- Đa số trẻ ngoan và có nề nếp trong các hoạt động.
2.2. Hạn chế:
- Cơ sở vật chất trang thiết bị chưa được đầy đủ, một số phòng học đã xuống cấp, bong chóc. Đồ chơi cho trẻ trải ngiệm chưa được phong phú, đa dạng.
- Một số giáo viên chưa linh hoạt, sáng tạo về trang trí tạo môi trường cho trẻ hoạt động trải nghiệm.
- Một số trẻ còn nhút nhát, rụt rè chưa tích cực mạnh dạn tham gia vào các hoạt động ở trường, lớp. Một số trẻ quá hiếu động, không thích tham gia vào hoạt động mà chỉ thích làm theo ý mình
- Đa số phụ huynh làm công nhân ở các công ty, ít có thời gian đưa đón quan tâm các con, chưa tích cực kèm thêm cho trẻ ở nhà. Còn xem nhẹ việc học của trẻ ở độ tuổi mầm non. .
III. Nội dung
1.Sắp xếp bố trí các góc hoạt động phù hợp
1.1Các góc chơi trong lớp.
Khi thực hiện thiết kế, tạo môi trường trong lớp, giáo viên thực hiện dựa trên các nguyên tắc cơ bản và chú trọng xây dựng các góc theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm. Muốn tổ chức hoạt động “Chơi, hoạt động ở các góc” có hiệu quả, trước tiên phải biết tạo môi trường hấp dẫn, đa dạng, phong phú và biết được cách bố trí góc hợp lý, khoa học, thuận lợi cho trẻ hoạt động, vui chơi. Đồ chơi trong các góc đều gần gũi quen thuộc với cuộc sống hàng ngày của trẻ nhưng cũng đảm bảo tính thẩm mỹ. Đây chính là một yếu tố nhằm thu hút, tạo cho trẻ một cảm giác thích được đến lớp. Là cơ sở để giúp trẻ tiếp thu kiến thức một cách nhẹ nhàng, có hiệu quả, phát huy trí tưởng tượng sáng tạo cho trẻ.
Bố trí các góc hoạt động phù hợp điều kiện của lớp, xây dựng các góc chơi theo hướng mở, đồ dùng đồ chơi đảm bảo với số trẻ trong lớp.
Ngoài ra còn bố trí góc chơi ở 2 hành lang của lớp học. Góc yên tĩnh sẽ bố trí xa góc ồn ào, từng góc có những đặc thù riêng và có điểm nhấn mạnh, ở các góc bố trí khoảng rộng cách xa nhau hợp lý để đảm bảo an toàn cho trẻ. Tạo ranh giới giữa các góc hoạt động để giúp trẻ nhận dạng được các góc từ đâu tới đâu, ranh giới góc không che tầm nhìn của trẻ và không cản trở việc quan sát, bao quát trẻ của cô.
Tùy thuộc vào từng chủ đề giáo viên lựa chọn cách trang trí, chuẩn bị đồ dùng đồ chơi khác nhau và nó xuyên suốt cho cả chủ đề.
Đối với góc học tập: Trên giá đồ chơi giáo viên sắp xếp sách vở, bút màu, đất nặn các đồ dùng hằng ngày trẻ học gọn gàng, ngăn nắp thuận tiện cho trẻ lấy cất dễ dàng. Các bài tập mở thay đổi theo chủ đề như: trang trí thêm mảng bài tập số đếm với những hình ảnh trẻ tự lựa chọn và sắp xếp theo đúng số lượng. Ngoài ra còn bố trí mảng bài học tư duy như chữ cái vui nhộn, bé vui học toán, …giúp trẻ suy nghĩ khi thực hiện bài tập này. Hai mảng trong góc này thường xuyên thay đổi nội dung chơi phù hợp với chủ đề nhằm phát triển tư duy cho trẻ và thu hút trẻ tham gia chơi một cách hứng thú, tự nguyện.
Trong góc học tập có chỗ đọc sách truyện. Giáo viên bố trí nhẹ nhàng, đơn giản sắp xếp các quyển sách truyện theo chủ để, các nhân vật câu chuyện có trong kế hoạch giảng dạy của chủ đề đó.
Đối với góc phân vai: Sắp xếp vừa tầm tay của trẻ, đồ chơi đầy đủ, chắc chắn để trẻ thoải mái hoạt động. Bảng siêu thị của bé gồm gian hàng như: Đồ dùng của bé, gian hàng bánh kẹo, quầy trái cây… giáo viên bố trí các mảng đính trên tường dưới dạng mở để trẻ tự khám phá và bán hàng theo ý thích của trẻ.
Ví dụ: Chủ đề “Gia đình” có các đồ chơi trong gia đình. Trẻ đóng cô chú bán hàng, bán các loại đồ dùng phục vụ cho nhu cầu gia đình, các đồ dùng cần thiết trong gia đình. Các trẻ khác sẽ đóng làm người mua hàng mua các thực phẩm cần cho gia đình về để chế biến bữa ăn gia đình,…..
Đối với góc nghệ thuật: Có khoảng tương đối rộng, chia ra làm hai mảng. Một mảng giáo viên trang trí và treo 1 số cây đàn tạo không gian vừa làm cảm hứng cho trẻ biểu diễn văn nghệ. Một mảng còn lại để giá đựng toàn bộ các dụng cụ phục vụ cho hoạt động âm nhạc: như mũ múa, phách, mõ,…
Đối với góc xây dựng: Được bố trí khoảng không gian rộng rãi. Trẻ sẽ sử dụng các nguyên liệu sẵn có để xây dựng theo trí sáng tạo của trẻ. Trẻ có thể dùng gạch để xếp thành hàng rào, ao cá, chuồng trại,…các đồ chơi lắp ráp thành các mô hình nhà, vườn,.. Ngoài ra, còn làm thêm một mảng bằng decan đen ( bìa) để trẻ có thể dùng phấn màu vẽ lên đó theo sự sáng tạo của trẻ ứng với từng chủ đề ( Trẻ thiết kế ).
Ví dụ: Chủ đề “Gia đình” trẻ có thể vẽ hình ảnh gia đình đang cùng nhau đi tắm biển trên mảng tường dán bằng decan đen hay là chủ điểm “Tết và mùa xuân + thế giới thực vật” trẻ sẽ được xây dựng “Vườn rau bác nông dân”. Ở góc này trẻ sẽ tái tạo và phản ánh quá trình hình thành vườn rau xanh của các cô bác nông dân. Từ những viên gạch trẻ sẽ xây hàng rào tạo thành khuôn viên của khu vườn. Trẻ dùng các nút ghép để phân chia tạo luống các loại rau khác nhau. Từ đó trẻ có thể qua góc phân vai cụ thể trò chơi bán hàng để mua các hạt giống hoăc cây rau về để trồng vào các luống và trẻ đã xây. Để sao cho hình thành nên một vườn rau thật là đẹp.
Đối với góc Steam: Được bố trí khoảng không gian tương đối rộng với một số nguyên liệu như bìa, cốc nhựa, giấy màu, đề can, màu nước, búp, bút, kéo, keo dán, ống hút, bóng bay, túi ni lông… để cho trẻ thực hành trải nghiệm tạo ra những sản phẩm nghộ nghĩnh như chú thỏ, con mèo, chim cánh cụt, bóng bay nhảy múa, pháo hoa, lọc nước mi ni, bưu thiếp.
Ví dụ: Chủ đề “ Động vật” từ những nguyên vật liệu trên trẻ có thể làm ra những chú thỏ, mèo đáng yêu, hay chủ đề hiện tượng tự nhiên trẻ có thể sáng chế ra máy lọc nước mi ni.
Hay với góc sáng tạo: Trẻ được chơi với nhiều nguyên liệu thiên nhiên như cành cây khô, lá cây, sỏi, hạt gấc, vỏ hến, vỏ sò, bút vẽ, màu nước, keo dán, bìa catong, giấy màu,…. Giáo viên sắp sếp các đồ dùng thuận tiện cho trẻ lấy - cất khi chơi. Góc chơi này trẻ có thể sáng tạo ra các bức tranh đẹp, sinh động làm bằng lá cây, sỏi, vò sò, võ hến tùy theo từng chủ đề trẻ học.
1.2 Các góc (khoảng) chơi ở hành lang
Hành lang phía trước lớp giáo viên sắp sếp 3 khoảng chơi:
+ Bé trải nghiệm: Ngoài việc ôn luyện chữ cái, chữ số trẻ còn được chơi luồn dây qua các đoạn ống hút tạo thành chữ số hay chữ cái mà trẻ đã được học. Bên cạnh đó trẻ còn được chơi tìm chữ cái, chữ số cắt bằng xốp, hay trẻ xếp chữ cái, chữ số bằng sỏi, hạt,….
+ Khám phá âm thanh: Giáo viên sưu tầm nguyên liệu như vỏ hộp bánh, vỏ hộp sữa, vỏ loong nước ngọt,.. rửa sạch treo lên một khoảng ở thành tường để cho trẻ được chơi, gõ, nghe và cảm nhận các âm thanh vui nhộn của các đồ vật.
+ Bé cảm nhận: Với góc chơi này giáo viên cắt các hình tròn bằng xốp rồi dính các loại hạt, bông, bút chì, nắp chai,…sau đó cho trẻ chơi cảm nhận với bàn của mình, ví dụ: khi trẻ cho bàn tay vào bông thì trẻ có cảm nhận êm êm, khi chi trẻ cho tay vào hạt gấc trẻ có cảm nhận được độ cưng của hạt gấc,..
Hành lang phía sau lớp: Siêu thị vui vẻ
Để tạo cho trẻ luôn có cảm giác vui vẻ, hạnh phúc khi được trải nghiệm đi siêu thị, giáo viên thiết kế 1 quầy bán các mặt hàng về ăn uống (bánh kẹo, bim bim, hạt bí, hướng dương, nước uống,… có bàn ghế ngồi, giá tranh chuyện và 1 số đồ dùng để trẻ chơi các trò chơi dân gian như chơi ô quan, ném bóng vào chai,…
Khu siêu thị giáo viên bố trí làm 2 khoảng. Một khoảng làm quầy bán đồ ăn uống, có trẻ đóng vai người bán hàng, 1 số trẻ đóng vai người mua và thưởng thức các món ăn, có trẻ vừa uống nước vừa xem tranh chuyện cổ tích. Khoảng còn lại dành cho trẻ chơi 1 số trò chơi như ném bóng, thả bi hay chơi ô quan,…
Các góc của trẻ được sử dụng dưới dạng mở, trẻ tự sử dụng theo sự quan sát, hiểu biết và trí sáng tạo của trẻ.
2 Sưu tầm, sắp xếp các nguyên vật liệu, học liệu trong các góc chơi một cách khoa học, đa dạng, phong phú:
Học liệu, nguyên vật liệu, đồ dùng, đồ chơi trong góc hoạt động đóng vai trò không nhỏ trong quá trình học và chơi của trẻ. Vì vậy các đồ dùng và học liệu cung cấp cho các góc hoạt động được lên kế hoạch thật cẩn thận, lựa chọn phù hợp, an toàn cho việc học của trẻ và để thu hút trẻ tham gia, cũng như tạo ra các cơ hội học tập khác. Các nguyên liệu khá đa dạng, phong phú từ chất liệu, hình dáng màu sắc đến giá trị sử dụng. Tất cả có thể được sắp xếp vào các hộp nhựa sạch sẽ, gọn gàng. Sưu tầm các nguyên vật liệu phong phú, mang tính mở như: lá cây, hột hạt, sỏi, rơm rạ, cúc, cành cây khô, bìa, hộp catton,…Các loại nguyên vật liệu, học liệu này được cất trong rổ, trên giá dồ chơi hay cho vào trong các hộp nhựa có nắp đậy, đánh tên rõ ràng, cẩn thận và dán lên trên hộp, để gọn gàng trên giá, trẻ có thể tự lấy cất dễ dàng
Ví dụ: Góc sáng tạo ở chủ đề: Thực vật giáo viên chuẩn bị rất nhiều nguyên vật liệu như: lá khô, len, bông, sỏi, cành cây khô,... để cho trẻ tạo thành bức tranh về cây xanh, vườn hoa, quả, cho trẻ chấm màu bông hoa từ các loại rau củ, bông ngoáy tai, dùng sỏi để xếp vườn hoa
Lựa chọn đồ dùng, đồ chơi, nguyên vật liệu an toàn, vệ sinh sạch sẽ, phù hợp với thể chất và tâm lí của trẻ mầm non. Các loại đồ dùng đồ chơi khi cho trẻ hoạt động đã được lựa chọn và vệ sinh sạch sẽ như: Nắp chai, hộp sữa, hộp dầu, vỏ ngao, vỏ sò,... Để tạo thêm hứng thú cho trẻ thì 1 số loại nguyên vật liệu giáo viên sơn màu cho đẹp như: Sỏi, que đè lưỡi, nắp chai, quả thông, thìa sữa chua,.....
IV. Kết quả đạt được.
Khi thực hiện trang trí tạo môi trường cho trẻ hoạt động trải nghiệm mang lại kết quả như sau:
Giáo viên trong nhà trường đều được tham quan học tập về trang trí tạo môi trường cho trẻ hoạt động trải nghiệm và áp dụng linh hoạt trang trí môi trường phù hợp cho từng nhóm lớp mình phụ trách.
Trẻ mạnh dạn, tự tin, tự lập, hứng thú tham gia các hoạt động và thích được đến lớp. Trẻ càng ngày càng nhanh nhẹn, chủ động phát huy tính tích cực sáng tạo của trẻ, phát triển khả năng tư duy. Trẻ biết chơi theo nhóm, cùng nhau thảo luận, đưa ra ý kiến và thực hiện một cách có hiệu quả nội dung đưa ra. Trẻ biết cách sử dụng nguyên vật liệu ở các góc để tạo ra nhiều sản phẩm sáng tạo. Trẻ có thể nói ra ý kiến của mình và cùng nhau thảo luận.
Phụ huynh tin tưởng vào sự chỉ đạo của nhà trường, luôn đồng hành ủng hộ các hoạt động của nhóm lớp, của nhà trường và có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ.
Dưới đây là một số hình ảnh của hội thảo
Hình ảnh cán bộ giáo viên toàn trường tham quan học hỏi cách trang trí môi trường lớp học cho trẻ trải nghiệm
Một số hình ảnh trẻ được trải nghiệm